Từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường nguyên liệu gỗ cao su, tràm bông vàng, bạch đàn… ở các tỉnh miền Đông trở nên sôi động, giá tăng mạnh do thương nhân Trung Quốc lùng mua.
Đồ gỗ Việt Nam có lợi thế từ rừng trồng trong nước. Ảnh: Lê Quang Nhật |
“Chỉ trong buổi sáng nay, tôi tiếp năm khách hàng Trung Quốc tới mua gỗ cao su”. Chiều 12.4, ông Trần Công Bình, giám đốc công ty cổ phần Công nghiệp và xuất nhập khẩu cao su (RUBICO) nói. RUBICO là đơn vị chuyên mua bán vườn cao su thanh lý, sau đó chế biến gỗ, hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Ông Bình cho biết, đang có hiện tượng giới thương nhân Trung Quốc đổ vào các tỉnh miền Đông mua gỗ nguyên liệu.
Cỡ nào cũng mua
Nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyên sơ chế gỗ cao su ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng cho biết, đơn hàng gỗ cao su bán cho thương nhân Trung Quốc tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Còn theo bà Ngô Hồng Thu, phó tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, đơn vị này bán nhiều gỗ cao su cho Trung Quốc bắt đầu từ tháng 3.2010, trước đó chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp nội địa.
Một nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị ở Bình Dương cho biết, các thương nhân Trung Quốc đã gia tăng thu mua gỗ cao su ở Việt Nam từ cuối năm 2009, tuy nhiên việc thu mua này thực sự bùng nổ từ sau tết Nguyên đán, đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm. Việc “săn lùng” gỗ đã đẩy giá mặt hàng này tăng khoảng 5 – 10% so với cuối năm 2009. Hiện nay, giá 1m3 gỗ cao su 280 – 285 USD.
Bà Ngô Hồng Thu dự báo, thời gian tới giá còn tăng do nhu cầu mua gỗ nguyên liệu từ phía Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Một số đầu mối chuyên cung cấp gỗ ở Đồng Nai còn cảnh báo, nếu không đặt hàng mua ngay thì qua tháng sau giá sẽ tăng thêm nữa. Ngoài ra, thời gian giao hàng kéo dài hơn do khan hiếm gỗ, trước đây thì họ giao hàng gỗ xẻ trong vòng mười ngày, gỗ ghép tấm trong 15 – 20 ngày, nay phải sau 30 ngày.
“Thương nhân Trung Quốc thường mua số lượng lớn, quy cách nào cũng mua, trả bằng tiền mặt”, một cơ sở sơ chế gỗ ở Bình Dương nói thêm. Họ còn chủ động ứng tiền cho các xưởng xẻ mua gỗ. Vì vậy, gỗ tròn để xẻ thành gỗ thanh cũng đang khan hiếm.
Theo tập đoàn Cao su Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam thanh lý ra khoảng 500.000m3 gỗ cao su. Lượng gỗ này sẽ được bán đấu giá cho các đơn vị sử dụng làm nguyên liệu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. |
Bà Ngô Hồng Thu vừa có chuyến khảo sát từ Trung Quốc về cho hay, nguyên liệu gỗ trồng, nhất là cao su, tràm bông vàng ở Trung Quốc khá khan hiếm, giá đắt đỏ. Nếu như 1m3 gỗ cao su ở Việt Nam có giá chỉ 280 – 285 USD, cộng thêm cước vận chuyển thì vẫn rẻ hơn so với giá bán tại Trung Quốc là 340 USD. “Chênh lệch giá quá lớn và nguồn gỗ tại Việt Nam còn dồi dào đã thu hút thương nhân Trung Quốc vào mua”, bà Thu nói.
Do có sự chênh lệch giá cao, nên mặc dù nguồn nguyên liệu gỗ trong nước luôn thiếu thì vẫn có nhiều doanh nghiệp đem bán gỗ. Bà Thu cho rằng, nhiều doanh nghiệp lớn như Trường Thành có năng lực tài chính mạnh, dự trữ được nguyên liệu nên có thể cân đối lượng gỗ đưa vào chế biến, trường hợp dư thừa vẫn có thể bán bớt ra. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vốn nhỏ, khi có đơn hàng mới mua nguyên liệu thì việc thị trường nguyên liệu tăng giá sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Áp lực đè lên doanh nghiệp trong nước
Ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM nói: “Đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với hàng Trung Quốc một phần dựa vào nguyên liệu gỗ trồng trong nước rẻ hơn, nhưng nay lại bị cạnh tranh nguyên liệu ngay tại sân nhà thì sẽ gặp khó khăn. Nếu thương nhân Trung Quốc tiếp tục qua mua vét gỗ, sẽ tạo nên cơn sốt giá, khan hiếm nguyên liệu và các doanh nghiệp trong nước phải mua giá cao, từ đó sản phẩm đồ gỗ làm ra sẽ khó cạnh tranh”.
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% gỗ nguyên liệu, trong nước chỉ đáp ứng được 20%, trong đó gỗ cao su là một loại rất quan trọng, ông Mạnh nói. Ngoài ra, ông Mạnh cũng khẳng định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp làm đồ gỗ Việt Nam không thể bằng doanh nghiệp Trung Quốc vì quy mô vốn nhỏ, năng lực quản lý hạn chế nên không thể “đua” giá mua nguyên liệu với doanh nhân Trung Quốc.
Ông Hồ Năm, giám đốc công ty đồ gỗ xuất khẩu Phát Thành cho biết, từ tháng 2.2010 đến nay gỗ cao su, tràm tăng khoảng 5 – 7%, gỗ thông tăng đến 30% so với thời điểm trước tết Nguyên đán. “Mọi thứ đều tăng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ khi không tăng được giá bán đầu ra”, ông Hồ Năm nói.
Hiện ngành chế biến gỗ đang chuẩn bị bước vào mùa hàng mới. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực tài chính mạnh để mua nguyên liệu dự trữ nên việc khan hiếm gỗ, giá tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến các đơn hàng xuất khẩu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét