Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tính từ năm 2000 đến nay luôn có mức tăng trưởng rất cao, trung bình khoảng 25%, thậm chí 50%. Năm 2006, con số này là 2,2 tỷ USD, năm 2007 đạt 2,4 tỷ USD và năm 2008 là 2,8 tỷ USD.
Tiếp nối đà tăng đó, năm 2009, Bộ Công Thương dự kiến con số 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt lần lượt là 130 và 180 triệu đôla - bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Vifores), tại hội thảo Thực trạng và khuyến nghị hoàn thiện chính sách và các giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, diễn ra sáng 18/3 tại Hà Nội, dự báo nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu tháng 4 này của cả nước cũng chỉ đạt hơn 200 triệu USD.
“Trong khi quý I và quý IV thường là mùa sôi động nhất trong năm. Nếu hai quý này chúng ta không kiếm được 50% cả năm thì coi như là thua” - ông Quyền nói.
Không chỉ giảm xuất khẩu, việc xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn như Đạo luật Lacey của Mỹ, Hiệp định Tăng cường Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT) của EU cũng tạo rất nhiều thách thức với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nước ta khi không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ được nguồn gốc gỗ nhập về.
Trước thực trạng khó khăn kể trên, Tổng thư ký Vifores khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động, mở rộng các chương trình xúc tiến thương hiệu, đến các thị trường mới ngoài những thị trường truyền thống Mỹ, EU, Nhật Bản.
Bằng kinh nghiệm khảo sát từ các thị trường mới như Nga, Trung Đông, Nam Mỹ của Vifores vừa qua, ông Quyền gợi ý Nga đang là một thị trường rất triển vọng với nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ mỗi năm chừng 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, có một số vướng mắc như đồng tiền chuyển đổi khó, thuế nhập khẩu cao đồng thời thị trường này thường sử dụng gỗ từ ván nhân tạo, ít dùng gỗ rừng tự nhiên. Cho nên để thâm nhập cũng phải cần một khoảng thời gian, ít nhất từ 3-6 tháng kể từ ngày đi khảo sát.
Về phía Nhà nước, để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, đại diện Vifores nhấn mạnh cần tập trung vào các chính sách, giải pháp về thuế, tài chính và thị trường.
Cụ thể, miễn, giảm thuế xuống còn 0% với các mã như ván sàn, ván thanh, đồ gỗ xây dựng...; giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng, thủ tục cho vay thuận tiện đồng thời áp dụng hình thức cứ xuất khẩu được 1 USD, nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp 20 đồng Việt Nam. Số tiền này để giúp doanh nghiệp tìm kiếm, khảo sát thị trường - đó là cách làm rất hữu hiệu - ông Quyền đánh giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét